Ông Hoàng Huy Đồng sống trong cái chòi được làm lại sau cơn bão số 10 năm 2013 - Ảnh: L.Giang |
Đã 39 năm không còn chiến tranh. Nhưng với lão Còng, chiến tranh vẫn còn đó, nên hơn 40 năm qua ông sống trong cái chòi có đào chiếc hầm tránh bom bên dưới với ký ức lửa đạn chưa bao giờ dứt trong tâm trí...
Đến đầu thôn Văn La, xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) hỏi ông Còng sống trong hầm tránh bom là ai cũng biết để chỉ đường. Mọi người cho biết Còng là tên người làng vẫn thường gọi ông, còn tên thật của ông là Hoàng Huy Đồng, năm nay đã hơn 70 tuổi.
Cái chòi - hầm mà ông Còng ở hiện tại do ông tự làm lấy bằng nhiều thứ vật liệu mà ông kiếm ra được trong thôn, trong xã hay ở chợ thị trấn Quán Hàu nên trông xập xệ, phơ phất đến thảm não.
Do kiểu chòi có hầm tránh bom phía dưới như thời chiến tranh chống Mỹ nên cửa rất nhỏ, chỉ thân hình còm cõi của ông mới vào ra được mà thôi.
Bà Lê Thị Dứ, em dâu ông Còng, kể: “Khi còn sức khỏe ông lên núi chặt cây làm cột, bứt cỏ tranh về dựng chòi. Mất một tháng lụi cụi ông mới làm xong chòi. Xong chòi thì ông nai lưng ra đào hầm, đôi khi vừa đào vừa nằm bẹp xuống đất tránh bom, nhìn thương lắm...
Do thời tiết khắc nghiệt nắng mưa nên cái chòi thường chỉ chịu được một năm là ông phải sửa chữa lại”. Căn hầm nằm phía dưới cũng nhỏ nhắn chẳng khác gì cái chòi, sâu gần 1m, vừa vặn người ông nằm... tránh bom.
Anh Hoàng Đức Trung, con trai bà Dứ, chỉ căn nhà xây sát bên cạnh cái chòi, cho biết đó là nhà tình nghĩa do Bộ Quốc phòng xây tặng ông, nhưng ông chưa ở trong đó lấy một ngày.
Thương bác côi cút một mình nên nhiều lần gia đình anh đưa ông về ở để tiện bề chăm sóc nhưng ông không chịu.
Hết cách, đã vài lần anh Trung châm lửa đốt cháy chòi của ông với hi vọng không còn chỗ chui ra chui vô nữa thì ông sẽ về ở với các cháu. Nhưng ông âm thầm sửa chòi lại và vẫn sống trong đó.
“Cơn bão số 10 năm 2013 thổi bay toàn bộ cái chòi lá rừng của bác. Bà con chòm xóm và gia đình tôi thấy bác nay tuổi đã cao, sức đã yếu nhiều nên... ai cũng mừng, vì nghĩ phen này thì bác hết cách làm lại chòi. Rứa mà chỉ ngay sau khi bão tan, bác đã ra đường lượm lặt cây cối, tấm lợp hư hỏng, bao nilông, chăn màn rách... về cất lại chòi và sửa hầm tránh bom - anh Trung bộc bạch trong nỗi xót xa - Có lẽ vì bị ám ảnh quá mạnh về chiến tranh nên bác đã tự sống một mình như vậy hơn 40 năm qua”.
Người dân gọi ông là lão Còng bởi lưng ông bị còng. Ông đi bộ đội năm 1970 rồi vào chiến trường B. Đến năm 1973 ông bị bom Mỹ vùi lấp trong một trận đánh và bị thương nặng. Đơn vị cho ông xuất ngũ.
Trên thân người còng gập, còm nhom của ông khi ông không ở trần thì luôn là bộ quần áo bộ đội chứ chưa bao giờ ông mặc thứ áo quần nào khác.
Hằng ngày ông đi đứng với tác phong dứt khoát, mạnh bạo như người lính trong quân ngũ, thậm chí mỗi lần qua góc cua đường là ông bên phải, bên trái... quay người vuông góc như bộ đội tập đội ngũ. Nhiều lần ông đang ngồi thì vội vàng nằm lăn ra đất, miệng hô: “Các đồng chí nhanh chóng xuống hầm tránh bom”.
Ngày nào ông Còng ăn cơm với gia đình bà Dứ thì sau khi ăn xong, ông đều xin gạo về hầm nấu cơm. Nấu xong, ông bới cơm lên các lá cây, sắp chúng ngay ngắn rồi thắp hương, miệng lẩm nhẩm van vái. Bà Dứ khẳng định là ông đang cúng cơm cho đồng đội đã mất ở chiến trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận